Là sinh vật thông minh nhất hành tinh, nhưng tự cổ chí kim con người luôn bị ràng buộc với những hành vi khó hiểu thậm chí tiêu cực với đồng loại và với chính bản thân mình. Ngày nay, khoa học đã bắt đầu cung cấp nhiều bằng chứng khoa học để cố tìm hiểu và giải thích tại sao chúng ta lại có những hành vi này. Dưới đây là một số hành vi như vậy.
Ngồi lê đồi mách
Phần lớn con người rất thích “buôn” chuyện với người khác. Khi gặp nhau, chúng ta có thể nói hàng giờ về chuyện của bản thân, rồi bắt qua những chuyện phiếm hay chuyện về một kẻ thứ ba nào đó… Ngồi lê đôi mách dường như đã trở thành… một phần của bản chất con người.
Theo một nghiên cứu năm 2006, nhà nghiên cứu động vật linh trưởng Robin Dunbar của Đại học Oxford (Anh) cho rằng đây chính là hành vi đã được chọn lọc qua một quá trình tiến hóa lâu dài như một cách để kết nối cộng đồng. Theo ông, nhiều loài linh trưởng như khỉ đầu chó có thói quen chải chuốt cho nhau nhằm giữ mối quan hệ tốt đẹp trong đàn. Với con người, thay vì chải chuốt chúng ta lại dùng ngôn ngữ để trò chuyện với nhau và phán xét người khác cho dù có thể gây tổn thương cho họ.
Tuy nhiên hành vi này không phải lúc nào cũng xấu, đó là cách để chia sẻ thông tin, tạo thành một chất keo trong xã hội và nâng cao lòng tự trọng của con người. Mục đích chính không phải là gieo rắc những tin đồn mà là giữ cho cuộc tụ họp của những nhóm người không bị gián đoạn. Đồng thời việc chia sẻ những điều không thích về người khác có thể mang chúng ta đến gần nhau hơn.
Đánh bạc
Hầu như ai cũng đã từng đánh bạc ít nhất một lần trong đời. Một nghiên cứu của đại học Cambridge (Anh) đăng trên tạp chí Neuron năm 2009 cho rằng chiến thắng hoặc suýt thắng tròng những trò đỏ đen sẽ kích hoạt vùng não liên quan đến chiến thắng và thúc đẩy ham muốn đánh bạc tiếp.
Nhiều nghiên cứu khác cho thấy rằng việc thua cuộc khiến những con bạc càng bị lôi cuốn thêm. Một nghiên cứu của đại học California (Mỹ) đăng trên tạp chí Marketing Research năm 2009 cũng cho rằng cảm xúc có thể lôi kéo mạnh mẽ để biến đổi hành vi đánh bạc của con người. Có những người khi chưa bị thua dường như rất sáng suốt, tỉnh táo nhưng khi thua cuộc, phải nếm trải “tâm lý thất bại” thì lý trí dường như không còn, họ phản ứng rất mạnh mẽ. Và mỗi khi thắng cuộc, ký ức này sẽ xóa sạch ký ức về những thua cuộc trước đó.
Vào tháng 2.2010, một nghiên cứu của London College (Anh) cũng vừa tìm ra một vùng não quan trọng gọi là hạch hạnh nhân có ảnh hưởng lớn đến khuynh hướng mạo hiểm trong tiền bạc của con người. Đây là vùng não nằm ở tâm não với hai bó cơ hình quả hạnh có tác động mạnh mẽ đến cảm giác, xúc giác và kiểm soát cả sự sợ hãi cố hữu về mất mát tiền bạc của con người. Nó đã tiến hoá từ thời sơ khai khi con người sợ mất thức ăn hay những vật sở hữu có giá trị. Khi nó hoạt động bình thường, chúng ta thường “ngại” mạo hiểm với tiền bạc. Ngược lại, khi vùng nào này bị tổn thương, chúng ta thường sẵn lòng mạo hiểm những trò đỏ đen, cá cược may rủi hơn những người khác.
Bắt nạt
Một nghiên cứu cúa Đại học Firenze (Ý) năm 2009 đã khảo sát tình trạng bắt nạt trên 195 trẻ em châu Âu từ 10-12 tuổi có một anh chị em hơn kém không quá 4 tuổi. Kết quả cho thấy: hơn một nửa trong số chúng đã từng bị bắt nạt hoặc đi bắt nạt người khác. Những trẻ thường bắt nạt anh em mình ở nhà gần như cũng hay bắt nạt bạn bè ở trường học và những trẻ thường bị bắt nạt ở nhà cũng thường bị bắt nạt ở trường; Trong đó, những trẻ có anh trai lớn là nhóm bị bắt nạt nhiều nhất. Theo các nhà tâm lý học, nếu việc bắt nạt anh chị em ở nhà không bị ngăn cản, chúng có thể đem hành vi đó vào trường học.
Bắt nạt không chỉ là trò trẻ con mà còn là một hành vi phổ biến ở người lớn. Một nghiên cứu của Đại học New Mexico (Mỹ) xuất bản trong tạp chí Management Studies năm 2007 cho thấy rằng gần 30% công chức Mỹ cũng phải chịu sự bắt nạt từ ông chủ hay đồng nghiệp. Điều này biểu hiện từ việc giấu diếm thông tin, bình phẩm về công việc đến lăng mạ, gây gổ, đồn đại những điều không hay cùng nhiều cách làm nhục có chủ ý khác. Trong môi trường tranh đua, hành vi này có thể gây ra những tổn thương tâm lý sâu sắc dẫn đến stress, làm gia tăng bệnh tim mạch và thậm chí khiến người khác phải tự tử.
Theo các nhà tâm lý học, hành vi bắt nạt của con ngưòi thường xảy ra ở phái nam đã được tiến hóa từ thời xa xưa nhằm đạt được địa vị và sức mạnh trong tập thể. Sự bắt nạt có tính chất leo thang, thường xuất phát từ những biểu hiện rất nhỏ nên thật khó ngăn chặn.
Nói dối
Nói dối có lẽ là một trong những hành vi phổ biến nhất ở con người. Theo một nghiên cứu của Đại học Massachusetts (Mỹ) đăng trên tạp chỉ Basic and Applied Psychology thì có đến 60% người nói dối ít nhất một lần trong một cuộc hội thoại kéo dài 10 phút và nói trung bình 2,92 từ không chính xác. Năm 2009, bằng một kỹ thuật phân tích lời nói tiên tiến của Đại học Southampton (Anh), việc nói dối cũng làm người ta mất nhiều thời gian (hơn 30%) so với nói thật vì người nói dối thường phải quanh co, dông dài.
Nói dối quá mức đôi khi trở thành khoác lác làm tổn thương đến người khác, gặm mòn sự tin tưởng và thân thiết vốn là chất keo gắn kết xã hội. Tuy nhiên không phải mọi lời nói dối đều có hại. Thỉnh thoảng nói dối lại là biện pháp tế nhị để bảo vệ sự riêng tư khỏi những câu hỏi ác ý. Con người thường nói dối khi cảm thấy lòng tự trọng bị đe dọa để bảo vệ giá trị bản thân, nhưng nhiều lúc chỉ đơn giản vì chúng ta muốn làm các tình huống xã hội trở nên trôi chảy hơn và để khỏi làm mất mặt người khác qua những bất đồng khi giao tiêp. Cũng theo các nhà tâm lý đàn ông nói dối không nhiều bằng phụ nữ nhưng họ có khuynh hướng nói dối để làm bản thân‘có uy” hơn trong khi phụ nữ gần như nói dối để làm người khác cam thấy dễ chịu hơn. Những người hướng ngoại cũng thường nói dối nhiều hơn người hướng nội.