Đổ mồ hôi tay chân tưởng chừng là một hiện tượng sinh lý bình thường do nhiệt độ môi trường gây ra. Thế nhưng, bạn có biết đổ mồ hôi tay chân đôi khi còn là biểu hiện của những bệnh lý. Liệu bệnh lý này có nguy hiểm hay không, mời bạn cùng xem nguyên nhân và những vấn đề tổng quan về biểu hiện bệnh này nhé.
Bệnh lý đổ mồ hôi tay chân là gì
Chắc hẳn rằng, bất kỳ ai trong chúng ta cũng sẽ vô cùng khó chịu khi gặp phải hiện tượng mồ hôi tay ra nhiều, đổ mồ hôi tay chân liên tục. Nhất là khi nhiệt độ của những ngày nắng nóng, vấn đề này không chỉ gây phiền toái mà còn ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống và học tập. Làm cho người bị đổ mồ hôi thường cảm thấy mất tự tin, ngại giao tiếp, khó chịu và mệt mỏi tinh thần.
Bệnh đổ mồ hôi tay chân thường khởi phát khi bạn bắt đầu ở độ tuổi đi học và thường đây là tình trạng có yếu tố di truyền. Khi bạn lớn dần, tình trạng ra mồ hôi cũng tăng theo, không chỉ ở bàn tay, bàn chân mà còn ở vùng nách dưới cánh tay, lưng và mặt.
Vậy, đổ mồ hôi tay chân có phải là bệnh lý hay không?
Nguyên nhân đổ mồ hôi tay chân
Theo các chuyên gia, tình trạng đổ mồ hôi tay chân do 2 nguyên nhân chính sau:
Nguyên nhân nguyên phát:
Do rối loạn thần kinh thực vật, nguyên nhân này thường phổ biến hơn. Đổ mồ hôi do rối loạn thần kinh thực vật gây ra hiện tượng đổ mồ hôi tay, lòng bàn chân, nách, đầu và mặt. Thời điểm khởi phát là giai đoạn trước dậy thị, nặng dần hơn trong giai đoạn dậy thì và kéo dài suốt cuộc đời. Một số ít trường hợp rối loạn thần kinh và trạng thái tâm thần cũng dẫn đến đổ mồ hôi tay.
Nguyên nhân thứ phát:

Nguyên nhân thứ phát thường gây đổ mồ hôi cho toàn cơ thể chứ không chỉ riêng mồ hôi tay chân. Nguyên nhân thứ phát thường do:
- Cơ thể thiếu vitamin và chất khoáng: Vitamin và khoáng chất rất quan trọng cho cơ thể. Khi chúng ta sử dụng quá nhiều thực phẩm ăn liền, thực phẩm chứa nhiều chất bảo quản, cơ thể sẽ dần thiếu hụt các loại dưỡng chất, vitamin và chất khoáng. Đây là một trong những nguyên nhân thứ phát sẽ gây đổ mồ hôi tay, chân đặc biệt là vào mùa lạnh.
- Bệnh cường giáp: Đổ mồ hôi tay chân có khi là biểu hiện của bệnh lý cường giáp. Khi mắc bệnh này, tuyến giáp của chúng ta sẽ hoạt động quá mức, khiến cho cơ thể đốt cháy nhiều calo, tạo nhiều nhiệt làm cho cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi. Để nhận biết đổ mồ hôi do bệnh cường giáp, còn có một số triệu chứng đi kèm như: hay hồi hộp lo âu, đánh trống ngực, run tay, sụt cân nhanh.
- Nhiễm độc: Hiện tượng đổ mồ hôi tay đôi khi còn là biểu hiện của hiện tượng trúng độc. Khi chúng ta vô tình tiếp xúc với hóa chất độc hại từ bên ngoài, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách bài tiết ra nhiều mồ hôi để đào thải độc ra khỏi cơ thể.
- Đổ mồ hôi còn có thể do nhiệt độ quá thấp, bỏng lạnh, u tuyến yên, thiếu máu bất sản, lao phổi,…. tuy nhiên những trường hợp này rất hiếm khi. Và chỉ xuất hiện vào một thời điểm nhất định.
Những nguy cơ sức khỏe từ bệnh lý đổ mồ hôi tay chân
Vậy nên, đổ mồ hôi tay cũng được xem là một bệnh lý, tuy nhiên nó không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Nhưng lại khiến cho cuộc sống người bệnh gặp không ít phiền toái:
- Việc đổ mồ hôi tay chân khiến cho người bệnh ngại giao tiếp, thiếu tự tin khi phải tiếp xúc với người khác. Bên cạnh đó, mồ hôi nhiều cũng khiến cho cơ thể có mùi khó chịu, việc giao tiếp sinh hoạt trong cuộc sống trở ngại rất nhiều.
- Những người bị đổ mồ hôi tay chân thường hay có tâm lý rất khó chịu, họ hay nóng nảy, dễ cáu gắt nên còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong gia đình, bạn bè.
- Và nếu đổ mồ hôi do một số bệnh lý từ nguyên nhân thứ phát kể trên, người bệnh cũng cần lưu ý để theo dõi sức khoẻ cẩn thận.
Cách chữa trị bệnh đổ mồ hôi tay chân
Hiện nay, nhiều người thường sử dụng aluminum chloride 20% để điều trị tại nhà, loại thuốc này dùng bôi trực tiếp lên vùng bị ra mồ hôi vào buổi tối cũng khá hiệu quả.
Với một số trường hợp nặng, cần điều trị bởi các biện pháp chuyên sâu khác đang được áp dụng hiện nay như:
- Uống thuốc điều trị: thuốc kháng cholinergic như pro-banthine hoặc glycopyrrolate có thể giúp giảm tiết mồ hôi của cơ thể.
- Điện chuyển ion: là phương pháp đưa các hạt điện tích của thuốc qua da vào sâu dưới da. Thuốc sử dụng trong điện chuyển ion là aliminum chloride 20% và glycopyrrolate 0,01% trong môi trường điện chuyển ion. Phương pháp này dùng thay thế cho phương pháp bôi tại chỗ.
- Tiêm botulinum A toxin: tiêm botox vào mỗi bàn chân, tay hoặc nách tác dụng giảm tiết mồ hôi rất tốt. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc là gây yếu cơ khi cầm nắm nên khuyên bệnh nhân khi làm việc phải thận trọng. Phương pháp này có tác dụng trong 5 tháng sau khi tiêm nhưng giá thành cao. Ở điều kiện nước ta chỉ cần tiêm một lần vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè.

Khi những phương pháp trên vẫn không đem lại hiệu quả triệt để, thì phương pháp phẫu thuật có thể được áp dụng. Cắt bỏ hạch giao cảm ngực có thể điều trị tăng tiết mồ hôi tay. Sau khi diệt hạch giao cảm, mặc dù chứng ra mồ hôi có thể hoàn toàn dứt điểm, nhưng đổi lại da của 2 bàn tay bạn sẽ trở nên thô ráp rất khó chịu.
Như vậy, tùy vào tình trạng mà bạn có thể đến những cơ sở y tế hoặc phòng khám uy tín để được tư vấn chữa trị. Nếu tình trạng nhẹ và chưa thể đi điều trị, bạn cũng có thể áp dụng một số cách giúp hạn chế đổ mồ hôi tay tạm thời như sau:
- Dùng phấn rôm em bé, các loại phấn rôm này có dạng mịn, hạt nhỏ, an toàn cho da nên có thể hút ẩm, kiềm dầu và khử mùi do cơ thể tiết ra. Với mồ hôi tay, bạn rắc bột phấn ra tay và xoa đều nhẹ nhàng khi thấy tay ra nhiều mồ hôi và ẩm ướt. Cùng với đó, dùng phấn rôm rắc vào giày hoặc xoa tương tự với chân để hút ẩm, giảm mùi hôi do ra nhiều mồ hôi chân
- Dùng giấm táo để ngâm tay 2 lần mỗi ngày. Giấm tạo có tính chất acid, vị chua dịu nhẹ, có tác dụng cân bằng pH trong cơ thể, se khít lỗ chân lông nên có tác dụng hạn chế dầu thừa, giảm tiết mồ hôi tay chân và cơ thể. Hãy lựa chọn giấm táo hữu cơ có mùi chua và màu cam đậm hơn giấm táo thông thường, sử dụng để giảm mồ hôi chân tay như sau: Bạn trộn giấm và nước theo tỷ lệ 1:1, ngâm tay trong 5 phút sau đó rửa sạch lại với xà phòng.
- Đồng thời hãy kết hợp một thực đơn khoa học, hạn chế thức ăn nhanh và dầu mỡ. Bổ sung nhiều vitamin B và magie.
Qua những thông tin trên, tin rằng bạn đã có cái nhìn tổng quát về bệnh lý đổ mồ hôi tay chân, từ nguyên nhân cho đến những biện pháp điều trị. Mong bạn sớm cải thiện được vấn đề để tự tin thoải mái làm mọi điều mình thích nhé.