Ngày lễ tình nhân, việc tặng hoa, quà cho người yêu bây giờ không còn được người châu Âu ưa chuộng nữa. Họ đã nhàm chán thói quen cũ xưa ấy. Giờ đây trào lưu mới, người ta mua cho nhau…một chiếc khóa tình yêu!
Nhưng đâu có đơn giản chỉ mua khóa là được. Đôi tình nhân còn đưa nhau đến một dòng sông êm đềm, đi lên một chiếc cầu – tượng trưng cho sự ngăn cách, chia lìa. Hai người cùng cầm lấy chiếc khóa “Tình yêu” khóa hẳn vào một nơi nào đó, trụ cầu, lan can cầu, cột điện… Nghi lễ tình yêu sau hết là hôn nhau đắm đuối, rồi… vứt những chiếc chìa khóa xuống dòng sông bên dưới.
Không biết “khóa tình yêu” có làm cho cây cầu và dòng sông trở thành bất tử – chứng nhân của tình yêu. Nhưng ở châu Âu, không ai có thể quên chiếc cầu Mirabeau trên sông Seine, qua bài thơ tình lộng lẫy của Guillame Apollinaire.
Le pont Mirabeau tuyệt tác, đã biến dòng sông Seine và chiếc cầu Miarabeau trở thành bất tử trong tâm tưởng của những người yêu nhau về sau này…
Le pont Mirabeau
Dưới cầu Mirabeau êm đềm trôi dòng Seine
Trôi cả tình yêu của anh và em
Không biết anh có còn nên nhớ
Niềm vui sẽ đến theo sau nỗi ưu phiền
Giờ cứ điểm, đêm cứ đến gần
Tháng ngày trôi, đây vẫn còn anh
Tình ra đi như dòng nước trôi nhanh
Tình yêu của em và anh
Cuộc đời ơi, sao mà chậm rãi
Hy vọng sao mà dữ dội cuồng điên
Giờ cứ điểm, đêm cứ đến gần
Tháng ngày trôi, đây vẫn còn anh
Vẫn trôi đều ngày, tuần, tháng, năm
Quá khứ và tình yêu quay trở lại không còn
Chỉ một điều không bao giờ thay đổi
Dưới cầu Mirabeau êm đềm trôi dòng Seine
Giờ cứ điểm, đêm cứ đến gần
Tháng ngày trôi, đây vẫn còn anh
Câu chuyện lãng mạn “khóa tình yêu ra đời từ xứ sở Italia của đội bóng “màu thiên thanh”, có những “hoàng tử” đẹp trai nhất trong giới quần đùi áo số. Nó khẳng định đúng như du khách nhận xét, thành phố Roma (Italia) mãi mãi là nơi tuyệt vời nhất dành cho những điều lãng mạn.
Ở Roma, rất gần sân vận động Olimpico – “thánh địa” của đội bóng lừng danh AS Roma, có cây cầu tên là Milvian. Trên cây cầu bắc qua sông Tiber nổi tiếng này, đang có vô vàn “những ổ khóa tình yêu” giăng như mạng nhện quanh những cột đèn hoặc thành cầu. Nó nhiều đến nỗi thỉnh thoảng, những chiết cột đèn bằng đồng còn bị đỗ gãy do sức nặng của hàng ngàn ổ khóa khắc đủ loại biểu tượng của tình yêu!
Các đôi tình nhân lên càu để thề nguyện yêu nhau mãi mãi. Họ đem theo và mắc những chiếc khóa trên cầu, đóng lại và vứt chìa khóa xuống dòng sông. Ra về, đôi tình nhân tin rằng tình yêu của họ sẽ bền vững, sẽ không có kẻ thứ ba nào đó có thể chen vào, bởi làm gì có ai tìm được chìa khóa nữa!
Những ngày lại ngày, các đôi tình nhân khác tiếp tục đến để thề nguyền yêu nhau mãi mãi, rồi lại mắc những chiếc khóa… Nhờ chuyện tình lãng mạn “khóa tình yêu”, nên cây cầu Milvian trên sông Tiber dần dần trở thành nơi tham quan nổi tiếng. Du khách thích đến đây, nhằm đọc những dòng lưu bút ghi trên các ổ khóa han rỉ, hay ngắm nghía nhiều ổ khóa độc đáo khác, khắc đủ loại biểu tượng của tình yêu.
Chuyện “khóa tình yêu” đã lan sang Đức, tuy vẫn chưa tạo được “đẳng cấp” là một điểm đến lãng mạn như Roma. Nơi thể hiện là cây cầu Hohenzollern bắc qua sông Rhine (thành phố Cologne).
Câu chuyện khóa tình yêu cũng đang phổ biến rộng rãi ở châu Âu, không chỉ các đôi uyên ương mà nhiều người bạn thân thiết cũng lấy chiếc ổ khóa để làm biểu tượng thể hiện sự yêu mến nhau.
Theo các nhà xã hội học, cây cầu luôn là nơi tượng trưng cho các cặp uyên ương, bởi cũng như một mối quan hệ, cây cầu nối hai bờ với nhau.
Rồi sẽ có nhiều cây cầu nữa để gửi gắm tình cảm vào những ổ khóa tình yêu. Chỉ tội nghiệp cho những ổ khóa ấy, cũng giống như tình yêu, phải chịu sự thử thách bởi mưa, gió, bão bùng,… Và cũng thật tội nghiệp cho các nhà quản lý cây cầu – họ muốn tháo hết các ổ khóa trên cầu nhưng… không nỡ!
Tại Việt Nam, Đà Nẵng là thành phố duy nhất có một nơi để các cặp đôi yêu nhau gởi gắm tình cảm theo cách lãng mạn này, là đầu cầu tình yêu bên bờ sông Hàn thơ mộng.
(st)