Viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em là bệnh phổ biến về đường tiêu hóa và đối tượng trẻ em (đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi) rất dễ mắc phải bởi hệ miễn dịch yếu hơn so với những trẻ lớn và hệ tiêu hóa của trẻ thường chưa thực sự được hoàn thiện tối đa. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể sẽ gây nguy hiểm cho bé. Vậy do đâu mà trẻ em mắc chứng bệnh này, triệu chứng nhiễm bệnh và cách xử lý như thế nào? Để giải đáp những vấn đề này, hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu thông qua bài viết sau đây.
1. Viêm dạ dày ruột cấp là gì?
Viêm dạ dày ruột cấp là tình trạng viêm cấp niêm mạc của đường tiêu hóa (đường tiêu hóa bị nhiễm trùng mà chủ yếu là diễn ra ở ruột non và dạ dày) bởi sự tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nhiễm độc hoặc do tác dụng phụ của thuốc. Đây là bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở các nước đang phát triển, vùng nhiệt đới, mật độ dân cư đông đúc, an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, trong đó có Việt Nam.
Viêm dạ dày cấp còn được gọi với nhiều cái tên khác như cúm dạ dày, bệnh tiêu chảy nhiễm trùng, viêm dạ dày.
Là một căn bệnh cấp tính vì thế nó chỉ kéo dài dưới 2 tuần. Đối với những trẻ có sức khỏe ổn định và sức đề kháng cao, bệnh viêm dạ dày ruột cấp cùng các triệu chứng sẽ sớm thuyên giảm và tự khỏi sau 4 ngày mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên ở nhiều trường hợp khác, các triệu chứng xuất hiện dai dẳng gây biến chứng nguy hiểm và làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nếu không kịp thời xử lý.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Hầu hết các trường hợp Viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em Việt Nam là do nhiễm vi rút, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Trong đó Rotavirus là tác nhân hay gặp nhất, chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Có thể vì sau 5 tuổi, hệ miễn dịch đã hoàn thiện hơn, do vậy bệnh ít gặp hơn. Adenovirus cũng là tác nhân hay gặp và cũng giống Rotavirus ít xảy ra ở trẻ lớn.
Ngộ độc thức ăn cũng là nhóm nguyên nhân hay gặp. Bệnh lây truyền qua nguồn nước và thực phẩm bởi các vi khuẩn và độc tố do vi khuẩn sinh ra. Các vi khuẩn hay gặp trong nhóm này là Salmonella, Shigella, Staphylococcus và E.coli. Nguyên nhân hiếm gặp hơn là do các ký sinh trùng như: gardia.
Bệnh lây truyền chủ yếu theo đường phân – miệng qua tiếp xúc hoặc hô hấp. Mặc dù Rotavirus không nhân lên ở đường hô hấp nhưng có thể tìm thấy chúng ở chất tiết đường hô hấp.
Môi trường sống ô nhiễm: Môi trường sống như nguồn nước không đảm bảo vệ sinh sử dụng nước sông, nước ao hồ … trong sinh hoạt là điều kiện thuận lợi cho virus xâm nhập cơ thể và gây bệnh. Đối với những người bị bệnh, trong suốt quá trình cấp tính của bệnh và sau đó virus tiếp tục được đào thải ra ngoài qua đường tiêu hóa.
Tỷ lệ trẻ mắc bệnh viêm dạ dày ruột cấp thường cao hơn so với người lớn do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện và trẻ thường ăn uống hiếu động, vừa chơi vừa ăn nên dễ bị nhiễm khuẩn qua đường miệng.
3. Triệu chứng bệnh viêm dạ dày ruột cấp
Biểu hiện của bệnh viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em thường xuất hiện rõ ràng sau 12 – 72 giờ bị nhiễm. Cụ thể:
– Sốt cao: Trẻ có khả năng bị co giật nếu cha mẹ không phát hiện kịp thời
– Đau thắt bụng: Biểu hiện này thường bị chủ quan do nhầm lẫn với cơn đau bụng bình thường. Khi trẻ đau bụng thất thường, tái đi tái lại nhiều lần trước hoặc sau ăn. Vị trí đau dạ dày ở trẻ ở trên rốn hoặc quanh rốn, các cơn đau bụng thường diễn ra về đêm, âm ỉ kéo dài và dữ dội trong vài chục phút đến hàng giờ liền.
– Nôn mửa, chán ăn, nhức đầu: Tình trạng này kéo dày khoảng 1 ngày. Đây là một trong những triệu chứng chính bị viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ, thường là ở các bé dưới 2 tuổi. Do nôn, chán ăn nên khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của bé bị kém đi dẫn đến suy dinh dưỡng, chậm tăng cân.
– Tiêu chảy: Trẻ đi nhiều hơn bình thường từ ba lần trở đi trong vòng 24 giờ, có thể trong phân có kèm theo nhầy, máu. Vì vậy cần phải kiểm tra phân của trẻ.
– Mất nước nặng: Biểu hiện là, khô miệng và môi, ít đi tiểu, chanh tay lạnh, ít nước mắt khi khóc…. lúc này cần phải cho trẻ đi khám bác sĩ ngay.
Trong các triệu chứng viêm dạ dày ruột cấp, mất nước và nhiễm toan chuyển hoá được đánh giá là những triệu chứng thường gặp nhất. Bạn có thể bù nước và điện giải cho bé, không cần dùng thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
Cần phải đưa trẻ đi khám bệnh nếu:
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi bị viêm dạ dày ruột cấp thì hãy đưa trẻ đi khám ngay.
Với trẻ trên 6 tháng tuổi, hãy đưa trẻ đi khám nếu trẻ có các biểu hiện sau:
– Sốt trên 38 độ C
– Trẻ đang mắc các bệnh như bệnh tim, đái đường hoặc tiền sử đẻ non.
– Trẻ bỏ ăn uống trong khi vẫn còn nôn, tiêu chảy
– Trẻ nôn dịch màu xanh (mật) hoặc máu
– Đi ngoài phân có máu
– Đau bụng dữ dội
– Khóc ngặt không dừng, ngủ nhiều, khó đánh thức và cảm giác mệt lả hoặc li bì
– Các biểu hiện bệnh không thuyên giảm sau 24 giờ.
– Trẻ có dấu hiệu mất nước như: khát nước, môi khô, quá 6 tiếng mà bím vẫn khô, da khô, nhăn nheo, nhợt nhạt, mắt trũng, ít hoặc không có nước mắt khi khóc
– Nếu bạn cảm thấy không tự tin khi chăm sóc trẻ tại nhà hoặc nhà bạn ở xa trung tâm y tế.
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về bệnh viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em. Hi vọng rằng với những thông tin mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn trong việc phòng ngừa và điều trị cho con mình khi bị viêm dạ dày ruột cấp tính.